
Việc Nam là nước có điều kiện tự nhiên thuận lợi nên có nền nông nghiệp phát triển từ rất sớm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc cơ giới hóa nông nghiệp cùng tập quán sử dụng rơm rạ làm thức ăn cho trâu, bò và chăn nuôi gia súc cũng giảm, kéo theo đó là nguồn phụ phẩm dư thừa từ nông nghiệp như rơm, rạ, vỏ trấu, thân và lõi ngô, thân và vỏ lạc… sau mỗi vụ thu hoạch đang trở thành một nguồn tài nguyên dồi dào và phong phú nhưng lại đang bị bỏ phí một cách đáng tiếc, thậm chí còn bị đốt cháy ngay tại đồng ruộng hay đổ xuống sông ngòi, kênh rạch gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó những phế phẩm khác như mùn cưa, gỗ vụn, bã mía… cũng đang ở tình trạng bị bỏ phí tương tự.
Để giải quyết vấn đề này, xã hội đang rất cần những sáng chế, giải pháp công nghệ mới hay những nghiên cứu đột phá nhằm tận dụng hoặc biến nguồn nguyên liệu, phụ phẩm dư thừa từ nông nghiệp thành những sản phẩm hàng hóa mới, có giá trị, giúp tăng thu nhập cho người dân và tạo ra những giá trị kinh tế, xã hội bền vững.
Hiện nay để phục vụ cho việc đun nấu hằng ngày, rất nhiều các loại bếp sử dụng gas, điện, than, củi, rơm, rạ… đang được sử dụng. Tuy nhiên, các loại bếp này đang gây lãng phí nguồn năng lượng và thải ra nhiều khí độc gây tổn hại sức khỏe cho người sử dụng và ô nhiễm môi trường.
Với quyết tâm nghiên cứu, chế tạo một loại bếp có thể tận dụng nguồn nguyên liệu sinh khối dồi dào từ phụ phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp 1 cách hiệu quả. Ông Nguyễn Mạnh Hà và các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và phát triển vùng – Bộ Khoa học và Công nghệ đã cho ra đời 1 loại bếp gas sinh học hồng ngoại mới, với những tính năng ưu việt.
Loại bếp này có khả năng chuyển hóa các phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, rơm rạ, lõi ngô dưới dạng viên nén thành nguồn khí cháy, chuyển đến bộ phận đốt và tạo hồng ngoại đạt hiệu quả năng lượng.
Cấu tạo của bếp ga sinh học gồm có lò hóa khí hình trụ 2 lớp bằng kim loại, giữa có bông gốm cách nhiệt có thể chịu được hàng ngàn độ C. Bao gồm các bộ phận chính: khoang đốt, van đốt, hệ thống nén nhiên liệu. Bộ phận cấp khí bao gồm quạt gió, đường ống dẫn khí và các van điều khiển khí. Bộ phận cấp nhiên liệu, hệ thống dẫn khí từ lò hóa khí, Bộ phận lọc và làm mát khí ga, đầu đốt hồng ngoại.
Tác giả Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ: Với cấu tạo trên đây, Bếp gas sinh học hồng ngoại mới có khả năng vận hành hiệu quả hơn tất cả các loại bếp cùng loại: sử dụng được nhiên liệu là viên nén thực vật, vận hành liên tục không bị tắt lửa khi cấp nhiên liệu và nén nhiên liệu, khí gas được tạo thành với hiệu suất cao nhất và quan trọng hơn là giảm thiểu nguồn khí độc ảnh hưởng nhiều nhất tới sức khỏe con người là từ bếp củi, bếp than cho tới bếp gas.
Về mặt hiệu quả kinh tế, chi phí hàng tháng sử dụng bếp gas hồng ngoại tiết kiệm hơn từ 25-40% so với bếp gas dầu hóa lỏng và từ 10-30% với bếp than tổ ong.
Bếp có hiệu suất cháy cao, tiết kiệm nhiên liệu do vậy tiết kiệm được chi phí và thời gian đun nấu cho người nội trợ. Đây cũng là giải pháp hữu ích trong việc hạn chế khai thác sử dụng các nguồn nhiên liệu chất đốt không tái tạo. Việc đưa bếp gas hồng ngoại vào thực tiễn sản xuất, đời sống không chỉ giúp tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng mà còn góp phần tạo thêm việc làm tăng thu nhập cho bà con nông dân trồng lúa từ việc thu mua và sản xuất nhiên liệu từ phụ phẩm nông nghiệp.
Thực sự, Bếp gas sinh học hồng ngoại của tác giả sẽ là một giải pháp công nghệ hoàn hảo đáp ứng nhu cầu sử dụng cho mọi người dân, mở ra tiềm năng ứng dụng rộng rãi, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững trong tương lai.
sangtaovietnam.vn