Thứ tư, 07/01/2015 | 12:19 AM Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khói độc từ các bếp lò là một trong số 5 nguy cơ hàng đầu ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân tại các nước đang phát triển, làm chết non gần 4 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm, trong đó phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Sử dụng bếp rơm rạ là một trong những mối nguy tiềm tàng với môi trường.
Năm 2002, lần đầu tiên WHO nghiên cứu sâu về vấn nạn ô nhiễm trong nhà. Bản báo cáo World Health Report xếp hạng khói thải trong nhà nguy hiểm cho sức khỏe con người chỉ sau nước bẩn và mất vệ sinh, là các nguy cơ môi trường lớn nhất tại những nước đang phát triển. Báo cáo chỉ ra, ô nhiễm trong nhà do đun nấu có thể cao gấp 10 lần mức ô nhiễm tại các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Vào năm 2002, ước tính có gần 2/3 trường hợp tử vong ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có liên quan đến việc sử dụng nhiên liệu rắn để nấu nướng. Hơn nữa, việc sử dụng củi, than hoa, rơm và trấu làm nguyên liệu đốt cũng làm tăng tình trạng phá rừng, suy giảm môi trường sống, tăng áp lực lên các nguồn tài nguyên tự nhiên của địa phương. Các bếp lò kém hiệu quả cũng góp phần gia tăng biến đổi khí hậu, do chúng thải ra môi trường muội các-bon và các khí nhà kính như CO2 và mê-tan
Những nghiên cứu trên cho thấy, với khoảng 80% hộ gia đình Việt Nam vẫn đang duy trì sử dụng bếp lò và bếp lửa truyền thống thì đây là một mối nguy hiểm tiềm tàng với môi trường cũng như nguồn tài nguyên tự nhiên của các địa phương trên đất nước ta. Vậy, việc sử dụng nhiên liệu xanh là điều vô cùng cấp bách.