Sáng chế cho người nghèo không phải dễ. Vì sao một số dự án từ thiện thất bại, trong khi số khác lại thành công? Tại Triển lãm công nghệ quốc tế CES 2016, câu chuyện về “cái bếp” của Liên minh Bếp sạch Toàn cầu đã truyền cảm hứng về điều mà các dự án từ thiện cần cân nhắc.
Có nhiều con đường dẫn đến cùng mục tiêu, nhưng quan trọng là người dân phải chấp nhận thay đổi. Như chuyên gia phát triển tổ chức nổi tiếng Peter Senge từng nói: "Người ta không chống lại sự thay đổi. Họ cưỡng lại vì bị buộc phải thay đổi!" (People don't resist change. They resist being changed).
Tháng 9/2010, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng đại diện nhiều tổ chức quốc tế đến New York để bàn chuyện… cái bếp. Cuộc thảo luận sôi nổi suốt hai ngày, với kết quả là Liên minh Bếp sạch Toàn cầu (The Global Alliance for Clean Cookstoves - GACC) ra đời.
Vì đâu cái bếp, một vật dụng rất đỗi bình thường, lại trở thành mối quan tâm vượt khỏi biên giới quốc gia? Lý do là vấn nạn xuất phát từ bếp nghiêm trọng không kém thảm họa do đói nghèo, bệnh tật hay biến đổi khí hậu.
Phụ nữ nhiều vùng quê nghèo trên thế giới thường sử dụng bếp truyền thống với nhiên liệu là than đá hoặc sinh khối như gỗ, phế phẩm cây trồng, chất thải động vật,… Các loại bếp này đều thải vào bầu không khí xung quanh một hỗn hợp hóa chất độc hại vượt quá ngưỡng an toàn 200 lần khi đốt gỗ hoặc nhiên liệu rắn. Hơn 6 tiếng hàng ngày, những người phụ nữ này cùng con cái họ hít thở và bị hủy hoại trong bầu không khí đặc quánh khói bụi. Theo phân tích của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng khói này tương đương hút 2 gói thuốc lá mỗi ngày, tác hại gấp 10 lần khói bụi ngoài đường.

Bất chấp mối nguy hại, gần một nửa dân số thế giới ngày nay vẫn phải hàng ngày dùng bếp lò truyền thống để nấu ăn, sưởi ấm. Do vậy, tác động môi trường của loại bếp này cũng trở thành vấn nạn toàn cầu.
“Cải thiện bếp nấu ăn, cứu sống hàng triệu sinh mạng”

Theo bà Clinton, một chiếc bếp sạch sẽ giúp cứu sống nhiều người, hiệu quả cũng như chiếc mùng ngăn muỗi hay vắc-xin ngừa bệnh. Hơn thế, bếp sạch còn đồng nghĩa với tiết kiệm tiền bạc và thời gian tìm nhiên liệu đốt. Phụ nữ sẽ có thêm cơ hội làm việc khác trong ngày và đàn ông cũng tham gia chuyện bếp núc nhiều hơn. Lợi ích của bếp sạch không dừng lại ở cải thiện sức khỏe mà còn trao quyền cho phụ nữ làm chủ cuộc sống.
Đó là lý do GACC được Quỹ Liên hiệp quốc (UNF) thành lập nhằm chăm sóc sức khỏe, cải thiện sinh kế, trao quyền cho phụ nữ và chống biến đổi khí hậu bằng những giải pháp nấu ăn gia đình sạch sẽ và an toàn. Hơn 1.200 đối tác của GACC tại 175 quốc gia (trong đó có Việt Nam) cam kết hỗ tài chính, chuyên gia và kinh phí nghiên cứu để 100 triệu hộ gia đình được dùng bếp sạch vào năm 2020.
Giải pháp cho vấn đề thì rất đơn giản, bắt tay vào làm mới thấy hết gian nan. Nấu ăn gắn liền với văn hóa, nên thiết kế bếp sạch vô cùng phức tạp. Cần cân nhắc đến nguyên vật liệu sử dụng, trọng lượng, chi phí. Hiệu suất bếp cũng khác nhau tùy địa phương, nguyên liệu nấu và người dùng. Không ít doanh nghiệp cung cấp bếp sạch với giá phải chăng, trong đó có cả thương hiệu điện tử nổi tiếng Philips (Hà Lan), liên doanh Bosch-Siemens (Đức) và tập đoàn năng lượng BP Energy (Ấn Độ),…nhưng chưa được người dân chấp nhận. Tiếp thị hay có thể thuyết phục họ dùng bếp mới, nhưng không đảm bảo họ sử dụng lâu dài. Năm 2012, bếp cải tiến đã được phân phối thử nghiệm cho 15.000 gia đình tại Orissa, Ấn Độ. Mức độ ô nhiễm trong nhà giảm hẳn, nhưng mọi người lại quay về với bếp truyền thống khi bếp mới xuống cấp dần. Sự đa dạng về nơi chốn, con người, với những nhu cầu và văn hóa khác biệt khiến các nhà sáng chế không ít lần dở khóc, dở cười.
Dù vậy, sau 5 năm, GACC cũng đạt một số thành quả: khoảng 20 triệu gia đình hiện đang dùng bếp sạch, tuy chưa hoàn toàn “sạch” như mong đợi.
Một trong những thành công đạt được là loại bếp sạch không khói dành cho các gia đình thu nhập thấp, do công ty BioLite, đối tác của GACC, sản xuất. Theo Ethan Kay, Giám đốc phát triển thị trường của BioLite, không đơn giản là vấn đề tiền bạc, điều mà các nhà sáng chế chưa chú ý là văn hóa bếp núc trong gia đình. Tại đa số các nước đang phát triển, người vợ nấu ăn nhưng người chồng kiểm soát tiền bạc. Thuyết phục được người đàn ông chịu mua bếp sạch là cả vấn đề.
( Theo STINFO số 1&2/2016)