Chương trình mang tên "Liên minh toàn cầu vì bếp lò sạch". Chương trình có sự tham gia của nhiều đối tác, như chính phủ một số nước, tổ chức đa phương, nhà tài trợ doanh nghiệp với số tiền đóng góp là 10 triệu USD.
Loại bếp lò sắp được giới thiệu tới những nước đang phát triển gồm hai loại. Loại có có giá 20 USD giúp giảm lượng khói thải ra khoảng 50% so với bếp lò thô sơ. Còn mẫu bếp có giá 100 USD có thể giảm được 95% lượng khí thải mà không làm giảm hiệu suất nhiệt. Tuy nhiên, cả hai loại bếp này chỉ dùng được trong 3 - 5 năm nên cần thay thế định kỳ.
Reid Detchon, Phó chủ tịch Năng lượng và khí hậu thuộc Quỹ liên hợp quốc (United Nations Foundation) - một trong những đối tác của liên minh, nói rằng kế hoạch này không đơn giản là sử dùng tiền tài trợ để mua hàng triệu bếp lò mới cho những nước đang phát triển.
Nhóm tài trợ hy vọng sẽ tạo ra mô hình theo cơ chế thầu khoán, để các công ty nhỏ sản xuất và bán những mẫu bếp lò này ra thị trường, phù hợp với nguyên nhiên liệu địa phương, phương pháp nấu nướng và mô hình tiêu thụ thực phẩm của từng nơi. Chương trình này chỉ nhằm mở ra cơ hội kinh doanh cho phụ nữ và giảm gánh nặng nhiên liệu cho phụ nữ và trẻ em khắp thế giới.
Gần 3 tỉ người ở những nước đang phát triển hiện nay vẫn dùng lò đun bằng rơm rạ, củi, than và phân. Liên Hợp quốc ước tính, mỗi năm khói từ những bếp lò này gây ra cái chết của 1.9 triệu người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, vì các bệnh liên quan đến tim, phổi, hoặc sinh thiếu cân.
Những bếp này cũng góp phần làm trái đất nóng lên vì hàng triệu tấn bồ hóng bị thải vào không khí và rừng bị chặt phá để làm nhiên liệu. Dù vậy, vấn đề này lâu nay vẫn bị chính phủ nhiều nước và tổ chức tài trợ tư nhân sao nhãng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí trong nhà do các phương pháp nấu ăn là nguyên nhân đe dọa sức khỏe thứ tư ở các nước đang phát triển, ngay sau nguyên nhân nước bẩn và vệ sinh kém, tình dục không an toàn và suy dinh dưỡng. Kiếm nhiên liệu phần lớn là công việc của phụ nữ và trẻ em, khiến hàng triệu trẻ em phải bỏ học.