slider-bep-ga-sinh-hoc-v2 slider-bep-ga-sinh-hoc-v2

THÔNG TIN ĐẶC BIỆT

TỔ CHỨC – “CÂY ĐŨA THẦN” CỦA TẠO HÓA

Ngày 20 Tháng 2, 2016
                             
   
Triết học duy vật biện chứng đã định nghĩa: CHẤT là tổng thể những tính chất, thuộc tính cơ bản của sự vật, hiện tượng, là cái làm cho sự vật, hiện tượng này phân biệt với sự vật, hiện tượng khác.

Để giải thích sự thay đổi về CHẤT có quy luật LƯỢNG CHẤT là quy luật chuyển hóa từ những thay đổi về LƯỢNG thành những sự thay đổi về CHẤT. Hiểu và vận dụng quy luật cơ bản trên đây của phép duy vật biện chứng có ý nghĩa rất quan trọng đối với các hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Tuy nhiên, trong thực tế hai phạm trù LƯỢNG, CHẤT khá trừu tượng, khó hiểu; nhiều khi việc xác định điểm nút sự thay đổi về LƯỢNG đủ làm thay đổi về CHẤT của sự vật và hiện tượng cũng rất khó khăn; hoặc có những sự vật, hiện tượng mà sự thay đổi về CHẤT rất khó xác định là do nguyên nhân thay đổi về LƯỢNG. Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ thêm những nguyên nhân, điều kiện làm thay đổi về CHẤT của sự vật và hiện tượng là rất cần thiết. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta hãy khảo sát 1 số lĩnh vực sau đây trong cuộc sống:

Trong lĩnh vực vật lý nguyên tử
: nguyên tố hóa học là chất cơ sở có điện tích hạt nhân nguyên tử không đổi trong các phản ứng hóa học, tạo nên đơn chất hay hợp chất. Nguyên tử là phần tử nhỏ nhất của nguyên tố hóa học. Cấu trúc của mọi nguyên tử của các nguyên tố hóa học đều do 3 hạt cơ bản tạo thành là nơtron, proton và electron. Do đó, về lý thuyết, nếu có 3 hạt cơ bản trên đây sẽ hoàn toàn có thể tạo ra được toàn bộ các nguyên tố, các nguyên tử, các phân tử, các hợp chất khác nhau, hoặc nói cách khác, ta có thể tạo được CHẤT  của sự vật. Từ đó, có thể suy ra rằng: những sự vật với cùng 1 số lượng  nơtron, proton và electron giống nhau (có cùng khối lượng), nhưng khi các hạt cơ bản trong các sự vật đó được tổ chức khác nhau (thành những nguyên tử, phân tử khác nhau) chắc chắn sẽ tạo ra các sự vật khác nhau hoàn toàn về CHẤT như: một khối chất thải, một khối vàng, hoặc tuyệt vời hơn là có thể tạo được 1 con người có vận động, có tư duy… Các ví dụ điển hình: cùng bắt nguồn từ nguyên tử các bon nhưng nếu cấu trúc (tinh thể) khác nhau thì ta có 2 sản phẩm là than chì hoặc kim cương khác hẳn nhau về CHẤT; trong lĩnh vực tin học: một chương trình phần mềm chỉ thay đổi vị trí 1 dòng lệnh (mà không làm tăng hoặc giảm 1 khối lượng của máy tính 1 chút nào…) cũng có thể làm thay đổi khả năng đáp ứng của máy tính; trong lĩnh vực xã hội học cũng cho thấy: quá trình phát triển của xã hội loài người, một xã hội có tổ chức chặt chẽ (có nhà nước, chính phủ…) sẽ có chất lượng hơn hẳn một xã hội vô tổ chức, vô chính phủ. Và, xã hội này hơn xã hội kia, dân tộc này mạnh hơn, văn minh hơn dân tộc kia đều do được tổ chức tốt hơn; trong lĩnh vực kinh tế: cùng là một đất nước, khi cơ cấu tổ chức, cơ chế sản xuất của nền kinh tế thay đổi thì từ một nước sản xuất không đủ lương thực như nước ta đã trở thành một nước xuất khẩu lương thực; trong lĩnh vực chính trị: một chế độ, một giai cấp, một đảng được tổ chức bên trong một cách chặt chẽ và tối ưu từ cương lĩnh, cấu trúc (cơ cấu), quy chế, quản lý, vận hành vv… sẽ trở thành một chế độ, một giai cấp, một đảng tiên tiến, mạnh mẽ, vững chắc và hiệu quả; trong lĩnh vực quân sự: một đội quân có tổ chức tốt, kỷ luật chặt chẽ, tinh thần chiến đấu cao, được huấn luyện tốt, có chiến thuật tác chiến hợp lý thì hoàn toàn có thể chiến thắng một đội quân lớn gấp nhiều lần nhưng tổ chức chiến đấu tồi; trong lĩnh vực kinh doanh: một doanh nghiệp có thể không cần tăng vốn, công nghệ vv… nhưng chỉ cần tổ chức lại 1 số vấn đề như điều chỉnh cơ cấu sản phẩm hàng hóa, hoặc bố trí lại đội ngũ cán bộ công nhân viên, hoặc cơ chế làm việc và thu nhập hợp lý vv… sẽ có thể thay đổi hẳn về hiệu quả kinh doanh; trong lĩnh vực âm nhạc: chỉ có 7 nốt nhạc trong tay các nhạc sỹ thiên tài đã tạo ra những bản nhạc làm lay động lòng người hàng thế kỷ, và ngược lại; và trong lĩnh vực thể thao: cùng một đội bóng khi có huấn luyện viên khác nhau, tổ chức lại đội bóng khác nhau sẽ dẫn đến chất lượng và thành tích khác nhau. Một loạt các ví dụ thực tiễn rất phổ biến nói trên đã cho ta một kết luận:

“Không còn nghi ngờ gì nữa, phạm trù  TỔ CHỨC các phần tử và các yếu tố cấu thành sự vật, hiện tượng là một trong những nhân tố hàng đầu làm thay đổi CHẤT của sự vật, hiện tượng đó. Thậm chí, mối quan hệ giữa TỔ CHỨC và CHẤT còn đòi hỏi phải đặt ở vai trò mang tính quy luật: Quy luật TỔ CHỨC và CHẤT, trong đó phạm trù TỔ CHỨC phải được hiểu là: sự thêm, bớt (“lượng”); bố trí sắp xếp; cấu trúc; cấu tạo; đặc tính hệ thống; quản lý điều phối; mối liên hệ tác động qua lại v.v…của các phần tử, các yếu tố cấu thành nên sự vật, hiện tượng.

Việc xác định quy luật này, hoặc đánh giá cao nhân tố TỔ CHỨC các phần tử, yếu tố cấu thành sự vật, hiện tượng dẫn đến sự thay đổi về CHẤT của nó, sẽ có tác dụng vô cùng to lớn, là kim chỉ nam cho các hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Cụ thể, nếu nắm và hiểu rõ mối quan hệ của cặp phạm trù TỔ CHỨC và CHÂT: Đối với các nhà khoa học sẽ có sự tự tin, khả năng vô hạn trong tìm tòi, sáng tạo phát minh ra sự vật, hiện tượng mới; Đối với nhà quản lý và doanh nghiệp: có niềm tin về tính hiệu quả của công tác tổ chức, tái cấu trúc lại nền kinh tế, doanh nghiệp khi cần thiết, sẽ giảm thiểu sự lệ thuộc vào yếu tố vật chất, vốn,  vv…; từ  đó, ta có thể vận dụng câu nói nổi tiếng của Bác Hồ để khẳng định:

 
TỔ CHỨC, TỔ CHỨC, TÀI TỔ CHỨC
 
THÀNH CÔNG, THÀNH CÔNG, ĐẠI THÀNH CÔNG
 
           
                                                                                   (Nguyễn Mạnh Hà)